Các thương hiệu nổi tiếng như Coca Cola, Omo, Romano,… dù nổi tiếng ở mức độ khác nhau thì đều sử dụng một công thức chung duy nhất:
Quảng cáo, quảng cáo và quảng cáo… Xem quảng cáo 1 lần bạn sẽ không nhớ Omo là gì, nhưng nghe và xem nó 1.000 lần trên TV thì dù muốn hay không bạn cũng phải nhớ đến nó. Để rồi khi bước vào siêu thị hay đứng trước quầy tạp hóa khi cần mua bột giặt tự nhiên bạn sẽ chọn Omo mặc dù nó chưa hẳn là bột giặt tốt nhất. Các thương hiệu đã chiếm tiềm thức của bạn và nó điều khiển bạn mua hàng một cách rất tinh vi. Có một lần tôi đi siêu thị mua vài đồ linh tinh, vừa chọn đồ vừa mải nghĩ đến lúc về nhà thấy trong túi hàng của mình có chai nước mắm Nam Ngư. Quái gì thế này! tôi vô cùng căm ghét các thương hiệu của Masan sau vụ nước mắm thạch tín vậy mà thế quái nào tôi vẫn chọn nó trên kệ hàng? Tôi đã bị thôi miên bởi các thương hiệu, họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần để lập trình tâm trí chúng ta để mỗi khi mua hàng chúng ta như những con robot lựa chọn đúng mặt hàng mà những “lập trình viên tâm trí” kia đã cài vào não.
Vậy là chúng ta đã bắt được bài của các thương hiệu, Hãy bắt tay xây dựng những thương hiệu vĩ đại như Coca Cola, OMO thôi!
Ảo tưởng? Cuồng Vĩ? Cứ bình tĩnh! hãy đọc hết bài đã nhé
Coca Cola vĩ đại hẳn nhiên rồi, vì ai cũng cần uống nước. Nếu bạn kinh doanh máy ủi, có nhất thiết tất cả mọi người đều biết đến bạn hay không? để làm gì nhỉ vì họ có mua hàng của bạn đâu. Bạn chỉ cần khoảng 20.000 – 30.000 những ông chủ thầu xây dựng ở Việt Nam biết đến tên bạn thì bạn đã là một thương hiệu vĩ đại rồi và thậm chí bạn còn giàu hơn Coca Coca Việt Nam nhiều vì mỗi cái máy ủi bạn kiếm gấp cả triệu lần so với mỗi chai Coca Cola.
Chúng ta hãy làm một bài toán so sánh: Để quảng cáo đến gần 100 triệu người Việt Nam giả sử Coca Cola phải chi 100 triệu USD/năm, nghe con số thì to nhưng để mỗi người Việt Nam nhớ đến mình Coca Cola chỉ phải chi 1$/năm. Giả sử để 20.000 ông chủ thầu xây dựng biết đến thương hiệu “máy ủi ABC” bạn cũng chỉ phải chi 1$, như vậy mỗi năm bạn cần chi 20.000 USD, tức khoảng 500 triệu VND để tất cả các ông chủ thầu xây dựng khi cần đến máy ủi sẽ nhớ đến “máy ủi ABC” của bạn. Nghe cũng hấp dẫn đấy nhỉ? bán chục con là hòa vốn rồi 😃.
Nghe hấp dẫn vậy tại sao trước đây không thấy ai làm? Ý tưởng nghe có vẻ hay nhưng không khả thi! Làm thế nào để biết đến 20.000 ông chủ thầu và làm thế nào để mỗi ngày tống cái tên “Máy ủi ABC” 3 lần vào mặt họ như cách Omo tống vào mặt chúng ta qua TV mỗi ngày được. Vì vậy giải pháp nghe rất hay nhưng như chuyện treo chuông cổ mèo của bầy chuột.
Cho đến một ngày… Google và Facebook xuất hiện mang đến cho lũ chuột chiếc áo tàng hình để treo chuông cổ mèo.
Làm thế nào để biết đâu là ông chủ thầu xây dựng? dễ ợt, viết một bài viết về “Kinh nghiệm bảo dưỡng máy ủi”, ông nào vào đọc thì đến 90% là ông chủ thầu hoặc nếu không thì cũng là người liên quan. Làm thế nào để tống cái tên “Máy ủi ABC” vào mặt các ông chủ thầu 3 lần mỗi ngày! dễ thôi công cụ Remarketing/Retarget của Google và Facebook giúp bạn làm việc này không mấy khó khăn.
Cơ hội 1.000 năm có 1 tại sao vẫn có rất ít doanh nghiệp dám làm:
- – Nhận thức: Không phải ai cũng biết rằng cái tên Coca Cola đáng giá trên 50% giá trị của công ty này, khi không hiểu thì 1 bức tranh đáng giá 1 triệu USD của Picaso 1 đồng cũng không ai trả.
- – Kỹ thuật: Mặc dù việc định vị khách hàng và tiếp cận đến khách hàng là khả thi tuy nhiên để thực thi nó cũng đòi hỏi trình độ phân tích dữ liệu và các kỹ thuật quảng cáo Googe, Faceobok
- – Kiên nhẫn: Xây thương hiệu không phải hôm nay làm ngày mai có doanh thu, nó đòi hỏi phải kiên nhẫn rót tiền trong 5-6 tháng mới thấy hiệu quả. Không đủ kiên nhẫn và không đủ tiền thì thương hiệu vẫn chỉ là giấc mơ.
Bài tiếp (list ra để có động lực viết tiếp):
– Tôi đã xây dựng thương hiệu tại thị trường Singapore và thị trường Đài Loan như thế nào?
– Xây dựng thương hiệu theo phân đoạn
– Xây dựng thương hiệu 3D
Tác giả: Chu Dinh Chau