Sau 10 năm đi làm thuê và 10 năm đi làm tư vấn doanh nghiệp, tôi đúc rút được một số bài học xương máu để mọi người cùng đọc. Hi vọng bài viết có thể giúp nhiều doanh nghiệp và quản lý, nhân viên tìm được bí quyết thành công, tránh mất thời gian, mất đi hi vọng, phí cả cuộc đời…
1. Công thức tìm kiếm nhân viên giỏi
Mỗi người đều là duy nhất và có tài năng riêng của mình. Nhưng tài năng cũng có hạn chế, đương nhiên họ cũng sẽ có một điểm yếu tương ứng. Những thiên tài công nghệ có thể lại ngô nghê về giao tiếp, xử lí các mối quan hệ một cách vụng về.
Tuyển được rất nhiều người nhưng ra đi cũng không hề ít, việc tìm đúng người mới có thể giúp giảm chi phí lao động của công ty. Vì vậy, trong buổi phỏng vấn, nên chọn những người không những giỏi về chuyên môn mà còn sở hữu niềm đam mê. Bởi vì nỗ lực có thể quyết định thành công thấp, trong khi tài năng và sự đam mê có thể quyết định thành công cao nhất.
Tài năng + Đam mê + Nỗ lực = Nhân viên giỏi.
2. Trọng dụng người trẻ
Cán bộ quản lý của một công ty tuyệt đối không được vượt quá 20%, còn lại nên là nhân viên thực hiện nhiệm vụ, công việc cụ thể.
Chỉ nên có 20% nhân viên có kinh nghiệm làm việc trong công ty, 80% còn lại không cần đến kinh nghiệm mà cần đến khả năng thực thi mạnh mẽ.
So với những nhân viên lâu năm nay nghỉ con bị bệnh, mai về quê thăm người thân… thì người trẻ có sự sẵn sàng chiến đấu cao hơn.
Các doanh nghiệp nên ra sức trọng dụng người trẻ và tạo nhiều cơ hội hơn cho họ. Bởi họ tràn đầy ý chí chiến đấu và dám thử những điều mới mẻ.
3. Trọng dụng nhân viên có tính kỉ luật
Những người có tính kỉ luật xứng đáng được trọng dụng. Một người biết tự kỉ luật luôn có yêu cầu cao đối với bản thân nên trong công việc họ làm tốt hơn cả mong đợi của công ty.
“Những người không biết tự kỉ luật chính là nô lệ của tâm trạng, ham muốn và tình cảm”
Những người có tính kỉ luật để lí trí quyết định hành động hơn là cảm xúc. Họ có thể xử lí toàn vẹn mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống, sau đó tận hưởng cuộc sống ngọt ngào.
4. Từ chối người lọc lõi và “lính nhảy dù”
Môi trường làm việc như chiến trường, cái công ty cần là đội ngũ tích cực, trung thành. Do vậy, kiên quyết từ chối người lọc lõi (có nhiều kinh nghiệm nhưng láu lỉnh) và “lính nhảy dù”.
Nhân viên lọc lõi cậy vào chức vụ và kinh nghiệm để bắt nạt nhân viên dưới quyền và người mới. Những nhiệm vụ giao cho họ, họ sẽ đẩy cho người mới làm, bản thân thì ngồi uống trà, có công thì họ nhận, có lỗi thì đổ lên đầu người mới.
Khi quản lý một nhóm, họ sẽ phản đối các kế hoạch không có lợi cho mình. Công ty không cần đến những người lười biếng tiêu cực kéo theo người khác thụt lùi, càng không cần đến những nhân viên có khả năng làm phản.
Trong công ty cũng không nên có “lính nhảy dù”, tầng lớp quản lý cần được đào tạo bồi dưỡng từ nội bộ nhân viên. Dù năng lực của “lính nhảy dù” cao, nhưng sức phá hoại cũng rất mạnh.
5. Ba loại nhân viên mà công ty nên khai trừ ngay lập tức.
5.1 Người có thủ đoạn
Một đồng nghiệp có năng lực rất cao, nhưng thay vì tập trung toàn lực vào công ty, anh ta thường lợi dụng các nguồn lực của công ty để kiếm tiền riêng. Anh ta không bao giờ tham gia đóng góp ý kiến trong nhóm và cũng không chia sẻ kinh nghiệm. Không dừng lại ở đó, anh ta còn che giấu thành quả làm việc của nhóm. Sau cùng mang cả nhóm thành lập một tổ chức khác hoạt động kinh doanh tương tự như công ty cũ.
Một người không muốn bỏ công sức cho công ty có nhiều khả năng là những người phản bội ngầm. Những nhân viên “đứng núi này trông núi nọ” thì không nên giữ lại.
5.2 Những người làm nhiều việc riêng trong giờ làm
Hãy hình dung một nhân viên kiêm luôn việc bán đồ trên mạng, nhận các loại chuyển phát nhanh mỗi 5 giờ chiều. Đi làm thì gửi hàng, tan ca thì nhận tiền, đơn hàng kinh doanh cá nhân nhiều hơn cả khách hàng đem lại cho công ty.
Một nhân viên khác chốc chốc lại xin nghỉ với đủ loại lí do. Một lần vội vàng rời đi không kịp tắt máy tính nên để hiện rất nhiều cửa sổ trò chuyện, hóa ra trong giờ làm việc anh ta đã đăng nhập tận 5 tài khoản mạng xã hội tán gẫu, chơi games…, làm thế nào làm tốt được công việc?
Những người không tập trung vào công việc trong giờ và dành nhiều thời gian để làm việc riêng tuyệt đối phải loại khỏi công ty, không nên nhận những nhân viên vào ngồi chỉ để lấy lương tháng.
5.3 Những người dạy mãi không sửa được
Không phải ai sinh ra cũng giỏi sẵn, phạm sai lầm trong công việc là điều khó tránh. Tuy nhiên, sau khi nhận ra thì nên lập tức tìm cách giải quyết thay vì cố chấp bảo thủ, dạy mãi không sửa.
Có một nhân viên lỗi lớn không nhiều nhưng vô số lỗi nhỏ, khi cấp trên chỉ ra sai lầm, bề ngoài có vẻ cậu ta thừa nhận nhưng kiên quyết không sửa đổi. Phạm lỗi từ lần này đến lần khác, đây đã không còn là vấn đề năng lực làm việc mà là vấn đề về thái độ và ý thức.
Những người thường phạm sai lầm trong công việc và chỉ bảo nhiều lần mà không sửa thì nên sa thải. Đừng sợ đuổi việc nhân viên như thế vì để anh ta lại là đang lãng phí thời gian công sức của cả công ty của anh ta. Thay một công việc khác có lẽ sẽ giúp ích cho cuộc đời và sự nghiệp của anh ta hơn.
6. Không thể thiếu chế độ kiểm tra đánh giá
Sát hạch thường xuyên là cách tốt để kiểm tra tình hình công việc. Công ty mỗi tuần sát hạch một lần, tuần này không đạt tiêu chuẩn thì tuần sau sẽ bù vào. Tích lũy lại từng tuần để hoàn thành chỉ tiêu của tháng, sau đó dựa theo kết quả đánh giá mà khen thưởng hay xử phạt.
Một hệ thống tổ chức doanh nghiệp tốt là ở việc thiết lập một cơ chế đánh giá khoa học và công bằng. Nếu cơ chế này không công bằng, nhất định sẽ để lại những người yếu kém.
Không phải tất cả công ty đều có thể như Google được quản lý cởi mở thay vì sát hạch. Mỗi ngày trà sáng trà chiều, 5 tiếng làm việc 3 tiếng nghỉ ngơi, 10 giờ đến 16 giờ về. Đó là sự bê tha, hời hợt hơn là làm kinh doanh. Không chịu trách nhiệm với nhà đầu tư, không chịu trách nhiệm với công ty, cũng như lãng phí thời gian của chính họ. Do đó chế độ kiểm tra đánh giá rất cần thiết. Thông qua đánh giá có thể nâng cao sự ràng buộc trong việc quản lý, từ đó nâng cao khả năng thực thi của nhân viên.
7. Hệ thống tổ chức quan trọng hơn nhân tài
Các công ty không cần phải bỏ công tìm kiếm cái gọi là “nhân tài”. Hệ thống tổ chức tốt chính là một hệ thống biết khai thác những người bình thường và biến họ thành nhân tài. Không có “nhân tài” thì các công ty vẫn phải vận hành bình thường. Trong một hệ thống tổ chức tốt thì những nhân tài mới có thể phát huy hiệu quả làm việc. Trong hầu hết các ngành nghề, một người dù có năng lực giỏi đến mấy thì lợi nhuận tạo ra cũng không thể cao hơn ba người bình thường.
Do đó, các công ty cần “kích hoạt” giá trị người lao động thông qua hệ thống tổ chức. Hệ thống tổ chức và chế độ kiểm tra đánh giá bổ sung cho nhau, giúp nhân viên bình thường đều có thể phát huy hiệu quả cao nhất.
8. Phân công rõ ràng và ủy quyền hợp lý
Lúc công ty vừa mới khởi đầu, mọi thứ đều do lãnh đạo tự làm. Từ đóng thuế cho đến tuyển dụng, ngay cả lắp đặt mạng internet cũng phải đích thân làm. Bản thân lãnh đạo ngày càng bận rộn trong khi nhân viên lại nhàn nhã tán phét. Nhà lãnh đạo phải ý thức được cần thoát khỏi những chuyện thế này.
Sau khi công ty lớn mạnh, nếu như việc gì cũng phải để sếp trông coi thì công ty đó cách con đường sụp đổ không bao xa. Ủy quyền hợp lí để cấp dưới có nhiều quyền lực hơn, không chỉ có thể thúc đẩy công ty đi lên mà còn nâng cao năng lực của nhân viên. Kể từ khi cho phép những nhân viên có quyền tự chủ hơn, công ty sẽ gặt hái nhiều thành tựu to lớn trong quản lý con người và xây dựng được đội ngũ mạnh nhất. Giữa các nhân viên với nhau cũng sẽ có môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Khi nhân viên được phân công rõ ràng và trọng dụng, trong nội bộ sẽ không ngừng xuất hiện những người tài năng. Từ nhân viên đến người quản lý, tiềm năng của mỗi người đều được tìm thấy và “kích hoạt”, đây sẽ là động lực để những người ở sau phấn đấu tiến lên phía trước.
9. “Chinh phục” văn hóa doanh nghiệp
Văn hoá doanh nghiệp xuất sắc có thể ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên và thay đổi thái độ làm việc của họ.
Lúc công ty mới thành lập cạnh tranh rất khốc liệt, để có thể nổi bật lên trong số những đối thủ giống nhau chỉ có cách là công ty mình đi theo hướng “chinh phục” văn hóa doanh nghiệp.
Nhân viên dám gánh vác trách nhiệm, dám đương đầu khó khăn. Từ làm việc thụ động chuyển sang làm việc chủ động, khi xuất hiện vấn đề thì từ đùn đẩy trách nhiệm chuyển sang chủ động thừa nhận trách nhiệm.
“Văn hóa loài sói” của Huawei được ca ngợi như một văn hóa doanh nghiệp kinh điển. Các doanh nghiệp nên nói không với nhân viên “thỏ trắng” và để nhân viên chiến đấu như những chú sói. Những người có năng lực sẽ trở thành chú sói dẫn đầu trong đội ngũ và dẫn dắt đồng đội tiến về phía trước.
Khi nhân viên nữ sinh năm 94 có khả năng chiến đấu mạnh mẽ, mỗi tháng hoàn thành vượt chỉ tiêu, tiền thưởng cao hơn tiền lương, hãy đưa vài người mới cho cô ấy đào tạo, vài tháng sau cô ấy sẽ tạo ra những người có khả năng chiến đấu tương đương mình. Có thể thấy rằng một nhân viên tốt sẽ không chỉ giỏi chiến đấu mà còn phải biết dẫn dắt đồng đội.
10. “Khởi nghiệp thì dễ mà duy trì lại khó.”
Tôi thấy rằng: Không ai sinh ra đã biết kinh doanh, bẩm sinh đã có hiểu biết về quản lý. Đó đều là những trải nghiệm của bản thân trong quá trình lăn lộn để duy trì doanh nghiệp. Trong quá trình học rồi tư vấn quản lý, tôi cũng đã nhìn lại chính mình. Suy cho cùng thì khởi nghiệp chính là quá trình tự nhận thức lại bản thân. Con đường duy trì sự nghiệp mênh mông vô tận, chúng ta luôn cần trau dồi học hỏi thêm, từng li từng tí một…
”
Thầy Hoàng Trung Dũng – Học Viện Đào Tạo KINGSMAN